Hệ miễn dịch tấn công gan gây bệnh viêm gan tự miễn, có thể do các yếu tố như môi trường, di truyền, các tình trạng tự miễn khác kích hoạt.

Viêm gan tự miễn dịch là tình trạng mạn tính xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công gan, gây viêm và tổn thương gan. Khi không được điều trị, viêm gan tự miễn có thể dẫn đến xơ gan. Tổn thương gan mạn tính dẫn đến sẹo ở gan và suy gan. Theo Verywell Health, bệnh viêm gan tự miễn có thể điều trị được và kết quả khả quan ở những bệnh nhân phát hiện sớm.

Viêm gan tự miễn có hai loại, thường đặc trưng bởi sự hiện diện của các loại kháng thể khác nhau để chống lại vi khuẩn, virus; có hai loại.

Viêm gan tự miễn loại một: thường gặp hơn, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng bạn có nhiều khả năng mắc bệnh hơn nếu là phụ nữ từ 15-40 tuổi. Khoảng một nửa số người bị viêm gan tự miễn loại một có các rối loạn tự miễn dịch khác chẳng hạn như bệnh celiac, viêm khớp dạng thấp hoặc viêm loét đại tràng.

Viêm gan tự miễn loại hai: mặc dù người lớn có thể phát triển bệnh viêm gan tự miễn loại hai, nhưng bệnh này phổ biến hơn ở trẻ em, nhất là các bé gái từ 2-14 tuổi. Các bệnh tự miễn khác có thể đi kèm với loại viêm gan tự miễn này.

Các triệu chứng viêm gan tự miễn có thể khác nhau ở mỗi người. Người bệnh có thể nhận thấy cảm giác mệt mỏi, khó chịu, đau nhức khớp, ngứa, buồn nôn, ăn mất ngon. Viêm gan tự miễn còn khiến gan trở nên to hơn. Người bệnh cảm thấy đau hoặc khó chịu ở phía bên phải của bụng ngay dưới xương sườn. Vàng da cũng là một triệu chứng phổ biến của bệnh viêm gan, khiến da có màu vàng và lòng trắng của mắt bị vàng do sắc tố bilirubin dư thừa. Các triệu chứng ít gặp hơn của bệnh này như nước tiểu đậm, phân nhạt màu (màu đất sét), không có kinh nguyệt (ở trẻ em gái và phụ nữ), rối loạn tâm thần, tích tụ chất lỏng trong bụng (cổ trướng).

Viêm gan tự miễn xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể, vốn thường tấn công virus, vi khuẩn và các mầm bệnh khác, thay vào đó nhắm vào gan. Cuộc tấn công này vào gan có thể dẫn đến viêm mạn tính và tổn thương nghiêm trọng đến các tế bào gan. Dù nguyên nhân vẫn chưa biết chính xác nhưng các nghiên cứu nhận thấy sự kết hợp của các yếu tố di truyền và môi trường có thể dẫn đến tình trạng này.

Bệnh viêm gan tự miễn có thể được kích hoạt bởi các yếu tố môi trường ở những người đã có khuynh hướng di truyền. Nó có thể xảy ra do sự tương tác của các gene kiểm soát chức năng hệ thống miễn dịch và tiếp xúc với các loại virus hoặc thuốc cụ thể. Khi gia đình có người mắc căn bệnh này thì bạn sẽ có nguy cơ hơn những đối tượng khác.

Gan bị hệ miễn dịch tấn công gây ra tình trạng viêm gan tự miễn. Ảnh: Freepik

Gan bị hệ miễn dịch tấn công gây ra tình trạng viêm gan tự miễn. Ảnh: Freepik

Viêm gan tự miễn cũng có liên quan đến các tình trạng tự miễn khác. Nếu bạn mắc bất kỳ bệnh mạn tính như viêm tuyến giáp tự miễn, cường giáp, viêm loét đại tràng, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì, lupus ban đỏ hệ thống… thì ccó nguy cơ mắc bệnh viêm gan tự miễn dịch cao hơn. Viêm gan tự miễn cũng có thể được kích hoạt bởi các loại thuốc.

Bệnh thường được chẩn đoán bằng cách khám sức khỏe, hỏi về tiền sử bệnh, có dùng thuốc, uống rượu bia, thuốc lá hay không… Bác sĩ có thể xét nghiệm máu giúp loại trừ các bệnh khác như viêm gan siêu vi, xem gan có tổn thương hay không hoặc tìm kiếm dấu hiệu tự miễn dịch. Sinh thiết gan bằng cách lấy một mẫu nhỏ của gan và kiểm tra dưới kính hiển vi, phục vụ cho công tác chẩn đoán. Nếu có bệnh, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc để điều trị.

Theo Web MD, sau 3 năm điều trị, khoảng 80% số người nhận thấy rằng tình trạng đã được kiểm soát. Người bệnh có thể ngừng điều trị những vẫn theo dõi tình trạng sức khỏe. Nếu các triệu chứng quay trở lại, bạn sẽ bắt đầu điều trị lại. Thay đổi lối sống với chế độ ăn uống cân bằng, nhiều rau củ quả, tránh xa rượu bia có thể giúp gan khỏe mạnh hơn. Người bệnh không dùng bất kỳ loại thuốc hoặc chất bổ sung nào mà không thông báo với bác sĩ điều trị.

Theo Verywell Health, Web MD

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.